Sách: LONG THƯ TỊNH ĐỘ VĂN (KHẮC BẢN ĐỜI THANH NĂM 1883)
Miễn phí vận chuyển toàn quốc
“Kỳ thư Phật Giáo” về pháp môn Tịnh độ.
“Long Thư Tịnh Độ Văn” là trước tác của Quốc học Tiến sĩ Vương Nhật Hưu, một bậc đại nho, một cư sĩ Phật giáo, một nhà Phật học lỗi lạc thời Nam Tống.
Vương Nhật Hưu (110? – 1173), tự Hư Trung, quê ở quận Long Thư (nay là huyện Thư Thành tỉnh An Huy) nên ông còn có hiệu là Long Thư Cư Sĩ.
Ông là người tính cách thanh cao, điềm đạm, học rộng, tinh thông Nho học, tường tận Đạo giáo, uyên thâm Phật pháp, từng đỗ Quốc học Tiến sĩ. Nhận thấy cuộc đời vô thường, nên không ra làm quan mà chuyên tu Pháp môn Niệm Phật, nguyện vãng sinh Tây phương, lấy Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ là chỗ quy túc. Ông niệm Phật rất tinh tiến, khi tuổi 60, mỗi ngày định khoá lễ Phật nghìn lạy. Ba ngày trước khi qua đời, ông từ biệt tất cả những người thân quen, nói với mọi người sẽ không còn gặp lại nhau nữa. Đến kỳ hẹn, ông đọc sách, dạy học trò xong, lễ bái niệm Phật như thường ngày, bỗng lớn tiếng niệm ‘A Di Đà Phật’, và nói: “Phật tới đón ta!”, dứt lời đứng sừng sững như cây trồng mà hoá, cảm ứng vãng sinh Tây phương vô cùng thù thắng lạ lùng, làm biểu pháp cho người đời sau có niềm tin sâu Pháp môn Niệm Phật.
Thủa sinh thời, ông biên soạn thành công nhiều cuốn sách, đặc biệt với tấm lòng từ bi vô lượng, thương xót chúng sinh trầm luân biển khổ, ông giành thời gian chuyên tâm biên soạn cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn, rồi cho khắc bản truyền bá khắp nơi. Theo các lời tựa, lời bạt thì sách được biên soạn khoảng những năm cuối thập niên 50 – thế kỷ 12.
Nội dung sách được căn cứ từ kinh tạng, truyện ký Phật giáo và trích dẫn thêm sách của Đạo giáo, Nho giáo. Trong sách dạy đạo làm người, dạy đạo giải thoát, đủ cả pháp Thế gian và pháp Xuất Thế gian, lời lẽ giản dị cô đọng, nghĩa lý đầy đủ, lập luận rõ ràng, dẫn dụ dễ hiểu, thành thật, khẩn thiết, chí tình, chí lý, chỉ dạy mọi người tường tận giống như cha dạy con, anh khuyên bảo em.
Sách được lưu truyền rộng khắp đến nay, dạy đúng chính pháp, mà nghi thức thì đơn giản, nội dung đi thẳng vào vấn đề cần thiết, dễ học dễ thực hành, ai cũng có thể tự tu học được, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tu học được, đem lại lợi ích thật sự cho tất cả mọi người, nên cảm hoá biết bao nhiêu người từ người xuất gia tu hành đến người tại gia mộ đạo, từ tầng lớp cao sang cho đến tầng lớp thấp kém trong xã hội, khiến người đọc được, nghe được đều quy tâm hướng thiện, phát khởi chính tín niệm Phật vãng sinh Tây phương.
Long Thư Tịnh Độ Văn được xem là kỳ thư (sách kỳ diệu đặc biệt) của Phật giáo, có lịch sử gần 900 năm, được khắc bản truyền bá rất nhiều, đồng thời được lưu trữ trong Đại tạng kinh. Từ xưa đến nay luôn được các bậc cổ đức tán thán khen ngợi, khuyên người cầu đọc. Lời tán thán nhiều không kể xiết, đặc biệt, kinh sách ghi lại lời của hai bậc cao tăng đắc đạo như sau:
– Đại Sư Liên Trì (1535-1615) là Tổ thứ 8 tông Tịnh Độ viết trong bài Vương Long Thư Quốc Học Truyện, ca ngợi rằng: “Cư sĩ Long Thư khuyến hoá mọi người phát nguyện vãng sinh Tây phương, vô cùng thiết tha, thành khẩn, chu đáo. Chẳng phải chỉ là lời nói suông, mà tự ông tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc. Đến lúc lâm chung, biểu pháp thù thắng, cảm ứng lạ lùng, làm tấm gương sáng soi nghìn thủa. Hỡi ôi! Vương cư sĩ, há chẳng phải là bậc Thánh hiền Tịnh độ, đến với mỗi nhà rủ lòng từ dang tay cứu độ chúng sinh đó ư!”.
– Đại Sư Ấn Quang (1862-1940) là Tổ thứ 13 tông Tịnh Độ, một bậc cao tăng thành đạo vãng sinh Cực Lạc, lưu lại hàng nghìn viên xá lợi ngũ sắc ngay trong thời hiện đại cách đây chưa xa, Ngài rất xem trọng bộ sách này, nhiều lần ấn tống, khuyên người học Phật nên xem sách để vững tín tâm. Trong bộ Văn Sao ghi lời ngài dạy: “Sách Long Thư Tịnh Độ Văn có thể khiến cho người dứt trừ nghi hoặc mà phát khởi lòng tin, trong sách có đủ pháp môn tu trì, phân chia sắp xếp theo thứ tự từng môn từng loại riêng biệt, phân tích cặn kẽ rõ ràng. Đây là một cuốn kỳ thư bậc nhất để dẫn dắt những người sơ cơ đến với Phật đạo. Nếu muốn tất cả mọi người đều được lợi lạc, thì không thể không bắt tay từ quyển sách này”.
Phật pháp là đạo giải thoát, giúp chúng ta liễu sinh thoát tử. Chúng ta sinh ra làm người may mắn còn gặp được Phật pháp, nhưng Phật pháp vô biên, kinh sách nhiều như lá rừng, sách nào cũng quý, tiếc rằng đời người ngắn ngủi chẳng học được bao nhiêu, thế nên chúng ta cần theo lời dạy của các bậc cổ đức, chọn lấy những kinh sách tiêu biểu, cầu học lấy pháp liễu nghĩa nhất trong các pháp liễu nghĩa. Long Thư Tịnh Độ Văn chính là một quyển viết về pháp liễu nghĩa nhất, được chư Tổ sư, cổ đức khuyên đọc.
Mùa đông năm Đinh Dậu (2017), khi thỉnh được cuốn sách chữ Hán in từ mộc bản khắc tại Kim Lăng Khắc Kinh Xứ năm Quang Tự thứ 9 (Quý Mùi 1883), đệ tử vô cùng hoan hỷ phát nguyện cung kính phiên dịch bằng ngôn ngữ đương đại, để cúng dàng thập phương Tam Bảo, góp chút sức mọn hoằng dương Phật pháp. Nay nhân duyên hội đủ, từ mai đệ tử sẽ đăng lên dần mỗi ngày dịch một trang.
Cuốn sách chữ Hán in từ mộc bản gồm 12 quyển, đầu tiên là quyển Thủ (đầu), gồm hai bài tán, hai bài truyện, ba bài tựa trong các lần khắc bản thời xưa, do các bậc cổ đức biên soạn tán dương. Tiếp đó là 10 quyển do Quốc học Tiến sĩ Vương Nhật Hưu biên soạn. Sau cùng là quyển Mạt (cuối) gồm các lời bạt của cổ đức. Toàn bộ nội dung đều được biên soạn bởi các bậc Tiến sĩ, Trạng nguyên, Thừa tướng, các bậc cao tăng, cư sĩ, toàn là những bậc có trình độ học vấn, đạo đức, trí tuệ và nhân cách lớn trong các thời đại.
Đây là sách thể văn ngôn, mặc dù cư sĩ Vương Nhật Hưu dùng từ giản dị, nhưng vì thuộc loại cổ văn từ thời Tống nên có những câu mang hàm nghĩa rất rộng. Trong suốt quá trình dịch sách, đệ tử đã khảo cứu các bản dịch cũ của Hoà Thượng Thích Hành Trụ, Hoà Thượng Thích Thiện Lương và một bản dịch bạch thoại, nhưng chắc sẽ không tránh khỏi có chỗ còn chưa diễn tả trọn vẹn được ý nghĩa. Vậy kính mong chư vị xa gần hoan hỷ góp ý chỉ giáo thêm để bản dịch được toàn thành.
Nguyện cầu khắp mọi người, hễ ai thấy, ai nghe, dù đã tin hiểu hoặc chưa tin hiểu Phật pháp, đều phát tâm tin sâu Pháp môn Tịnh Độ, học Phật niệm Phật, hành trì Phật pháp một cách chân chính, để đời hiện tại được hạnh phúc an vui, đến một ngày kia, khi mãn báo thân đều được vãng sinh về với Phật A Di Đà nơi cõi nước Cực Lạc, cùng được giải thoát.
Ngày rằm tháng trọng xuân năm Kỷ Hợi
Đệ tử Học Phật cẩn bái!
Bản in lại theo nguyên gốc, chỉ còn vài bộ.
Quý vị mua sách nhắn: Tên sách, địa chỉ, điện thoại, họ tên người nhận để được chuyển sách miễn phí tận nhà.
Kiểm tra sách ưng ý mới thanh toán.
Dự án phục chế sách cổ để lấy kinh phí trang bị thiết bị dập lửa tự động góp phần bảo tồn 20.000 ngôi đình ngôi chùa Việt Nam.
Xin cảm ơn!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.