Sách: KINH DI ĐÀ LƯỢC GIẢI VIÊN TRUNG SAO (QUỐC NGỮ)
Miễn phí vận chuyển toàn quốc
Xưa nay các chốn tùng lâm tự viện thường lấy kinh A Di Đà làm khóa tụng hằng ngày vì cho rằng một pháp chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà thích hợp lợi ích cho cả ba căn Thượng, Trung, Hạ của người tu pháp môn Tịnh độ.
Kinh này có rất nhiều bản chú giải, nhưng đặc sắc thì có ba:
-
- Một là “Di Đà Sớ Sao” được Tổ Vân Thê giải thích rộng lớn, tinh vi
- Hai là “Di Đà Yếu Giải” do Tổ Ngẫu Ích biên soạn từ nghĩa giản dị và nghiêm tịnh
- Ba là “Di Đà Viên Trung Sao” do ngài Cự Am lược giải, ngài U Khê viết phần chú giải, trong đó nêu rộng nghĩa lý nhờ vào giả quán Tín – Nguyện – Hành để có kết quả công phu tu Tịnh độ được viên mãn trung đạo
Nói về bộ “Di Đà Viên Trung Sao”, nước ta từ trước đến nay chỉ lưu thông hai bản “Sớ Sao” và “Yếu Giải”, còn “Viên Trung Sao” thì chưa được thấy. Mãi đến năm Khải Định thứ 8 triều Nguyễn (Quý Hợi 1923), bộ “Di Đà Viên Trung” may mắn được Thích Giáo Đại Tạng của Nhật Bản ở viện Bác Cổ đem về. Xem trong đó, vị chủ khắc là Ngài pháp danh Phổ Tụ ở chốn Tổ Bảo Khám – Tế Xuyên – Hà Nam tìm được bản “Sao” này, vui mừng khôn xiết, cho là ngọc quý nơi Bảo Sở để lại. Chẳng ngờ đến già mới được thấy của lạ này, liền giục môn nhân xin phép chép lấy, đem về viết ra, khắc ván để lưu thông, phần thì mở rộng đường lối tu hành của ngài Thiện Đạo, từ đây được đổi mới; phần thì mở pháp môn Bất Tư Nghì của ngài Linh Phong, nhân đây thêm mở rộng. Ngài Phổ Tụ sau đó đã ủy thác cho kế đăng chùa Vĩnh Nghiêm là ngài Thanh Hanh viết dẫn. Ván kinh này lưu tại chùa Bảo Khám, làng Tế Xuyên.
Bộ “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” là Đức Thích Ca ở trong phép sâu làm ra phép nông mà thuyết giảng, trong phép rộng làm ra phép lược mà thuyết giảng. Giảng thuyết đã lược, song ai có trí tuệ làm giải thích thì cũng phải giản lược. Nghĩa đã sâu như vậy, thì bậc có trí tuệ làm chú giải cũng phải giải thích sâu. Giải vắn tắt không để cho trí tuệ cầm chừng; lý sâu chẳng khiến cho nghĩa thiếu khuyết. Dùng lược để dò rộng, thung dung trung đạo.
Tôi khi ở Ngô Môn đã xem lược giải của Đại sư Cự Am. Trong bài tựa của Ngài có viết: “Rừng báu, ao ngọc chỉ rõ từ nguồn tâm; tuổi thọ ánh sáng tưng bừng nơi tự tính”.
Lại nói: “Hiểu rõ duy tâm vốn đủ thì muôn ức cõi không xa; biết được về nhờ đại nguyện thì ba kiếp Tăng Kỳ vắn tắt”. Ôi! Bao quát hết toàn kinh, lời sao gọn thế! Bản tính duy tâm, nghĩa sao sâu thế! Nếu chẳng phải bậc Bồ Tát trí tuệ thì sao có thể đạt được như vậy?
Nay làm bài Sao mà đặc biệt đề là Viên Trung, là có ý lấy Y báo, Chính báo của cõi Cực Lạc làm Diệu Hữu, lấy nhất tâm trì danh làm Chân Không. Chẳng phải là Chân Không thì cũng chẳng thể chứng được Diệu Hữu ở Cực Lạc; chẳng phải Diệu Hữu thì chẳng thể rõ được Chân Không ấy. Thế nên cái giả không thể nghĩ bàn thì chẳng phải là cái giả thiên lệch. Chân Không vẫn “có”, không phải không ngơ. Hợp hai ý ấy mà tu hành thì “Viên Trung” viên mãn mà thành nghĩa trung đạo, vì thế mà đặt tên là “Sao” vậy.
Ý muốn người đọc kinh này mà tu hành thì phải thấy rõ danh rồi nhớ rõ nghĩa. Thưc đạt nhất tâm bất loạn thì muôn ý nghĩ đều quên, thời rõ lý Chân Không.
Bảy ngày trì danh, từng giây từng phút nối nhau, thời tỏ rõ được lý Diệu Hữu. Tu hành thành tựu nên thấy Phật, tâm thanh tịnh thì hoa nở; “ấn hoại” ở cõi Sa Bà, để “văn thành” ở Cực Lạc (ấn là thể, văn “nét” là tâm). Ấn hoại là sở dĩ không còn tình cảm (vọng), thế gọi là Chân Không; văn thành sở dĩ lập được pháp, gọi là Diệu Hữu. Hai ý ấy đều quên mà đều còn.
Kinh A Di Đà về lời thì lược, về nghĩa thì sâu. Nhân lúc viết lời Sao mà nêu ra nghĩa đề, rồi mượn đấy làm lời tựa.
Triều nhà Minh niên hiệu Thiên Khải, đầu năm lên ngôi, cuối mùa đông, ngày mùng 3 hạ bút viết bài này.
Núi Thiên Thai, Sa môn U Khê, pháp danh Truyền Đăng soạn.
Trích lời tựa “Kinh Di Đà Lược Giải Viên Trung Sao”
Dịch giả: Sa môn Thích Phổ Tuệ
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.