Tìm hiểu về bộ sách Tứ Thư

Trong lịch sử văn hóa, tư tưởng phương Đông, bộ sách Tứ Thư có một vai trò cực kỳ quan trọng. Hầu hết các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, cả một chặng dài đã dùng Tứ Thư để làm nền tảng phát triển. Tứ Thư gồm bốn cuốn: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Sự hình thành bộ sách này kéo dài hàng trăm năm, trong đó nổi lên hai tên tuổi chủ đạo: Khổng Tử – người thầy, người khởi xướng và Mạnh Tử – người kế thừa, phát triển.

 

Tứ Thư Trọn Bộ
Tứ Thư Trọn Bộ. Tìm hiểu thêm về sách >> tại đây!

Tứ Thư đề cập đến nhiều lĩnh vực: triết học, chính trị, đạo đức, luật pháp… Một trong những nội dung chủ đạo của Tứ Thư là việc tập trung xây dựng nhân cách con người xã hội với những vấn đề căn cốt như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những chuẩn mực mà Tứ Thư đề ra cho cá nhân, đặc biệt ở khía cạnh đạo đức đến nay vẫn còn mang tính thời sự và trình tự hệ thống: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ xem ra ngày càng chứng tỏ sự ưu việt. Ở Tứ Thư, giá trị cá nhân chỉ được đề cao khi mà nó gắn bó mật thiết với toàn bộ trật tự chung, nói cách khác khi nó hoàn thành triệt để nghĩa vụ, bổn phận của mình với toàn bộ xã hội xung quanh. Vì thế có thể khẳng định, cái đích hướng tới cuối cùng của Tứ Thư chính là sự phát triển trong bình ổn với một quy trình nghiêm ngặt về đạo đức cho tất cả các tầng lớp xã hội. Chính giá trị quan trọng này sẽ giải thích hiện tượng qua hàng nghìn năm, ảnh hưởng của Tứ Thư không chỉ dừng ở Phương Đông mà ngày càng lan truyền, phổ cập trên toàn thế giới.

Vài nét về bộ Tứ Thư

1. Tứ Thư Đại Học

Sách Tứ Thư Đại Học
Sách Tứ Thư Đại Học chữ Nho, có luận giải quốc ngữ. Tìm hiểu thêm về sách >> tại đây!

Đại Học nguyên là một chương trong Lễ Ký, được thành sách ước trong khoảng thời gian từ thời Chiến Quốc đến thời Tần Hán, được xem là một trong những kinh sách chủ yếu của Nho gia. Còn tác giả là ai, từ trước đến nay vẫn chưa xác định rõ.

Hai chữ đại học ở đây có nghĩa là học vấn uyên bác tinh sâu. Theo đời Chu truyền lại, con cháu quý tộc tám tuổi đã đi học tiểu học, học tập tri thức văn hóa cơ sở và võ nghệ; mười lăm tuổi vào đại học, còn gọi là thái học, học lý luận quản lý chính sự qua các kinh thư. Trịnh Huyền đời Hán nói: “Những học sinh đại học dựa vào tri thức uyên bác tinh sâu, có thể tham gia quản lý chính sự“. Chu Hi đời Tống nói: “Đại học giả, đại nhân chi học dã”. Đại nhân ở đây không phải là người địa vị cao, mà là người có nhân cách cao thượng theo học địa học để trở thành người quân tử phò vua, giúp nước.”

Chu Hi (Nho sỹ Đời Nhà Tống)
Chu Hi (Nho sỹ Đời Nhà Tống)

Chu Hi đánh giá rất cao về nội dung sách Đại Học, nói rằng: “Sách Đại Học là cương lĩnh không có cái gì không bao hàm trong đó, không có cái gì không dung nạp trong đó“. Chu Hi còn cho rằng, có thể dùng những thuyết giáo trong sách Đại Học để bù đắp lại những lỗ hổng trong tư tưởng của giai cấp thống trị Trung Quốc. Có thể nói ” Sách Đại Học là sách nhập môn cho người mới đi vào học đạo“.

2. Tứ Thư Trung Dung

Tứ Thư Trung Dung
Sách Tứ Thư Trung Dung chữ Nho, có luận giải Quốc Ngữ. Tìm hiểu thêm về sách >> tại đây!

Trung Dung là sách luân ý học của phái Nho gia Tử Mạnh (Tử Tư và Mạnh Tử). Đến thời Hán, sách Trung Dung đã trở thành một thiên trong sách Lễ Ký. Đến đời Tống, học giả Chu Hy rút ra, chỉnh biên lại và chú giải, rồi hợp cùng các sách Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư. Từ đời Tống về sau, sách Trung Dung trở thành sách giáo khoa cơ bản trong chương trình giáo dục của chế độ phong kiến Trung Quốc.

Mạnh Tử
Mạnh Tử

Sách Trung Dung không quá ba nghìn chữ. Sau khi chỉnh lý xong, Chu Hy phân ra 33 chương để dễ bề chú giải. Đến đời Thanh, học giả Trương Đại chọn mấy chữ ở mỗi chương để đặt tên cho từng chương. Kết cấu của Trung Dung chặt chẽ, nghiêm túc, cẩn thận; lời văn ngắn gọn những điêu luyện, sắc bén.

Nội dung sách có thể chia ra hai phần:
    • Phần thứ nhất là những giải thích của Khổng Tử về trung dung và con đường, biện pháp đạt đến trung dung.
    • Phần thứ hai gồm những ý kiến mà Tử Tư đã kế thừa và phát triển tư tưởng trung dung Khổng Tử, trong đó nội dung quan trọng nhất là chí thành.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã đưa ra khái niệm trung dung. Tư tưởng Trung Dung nêu ra trong Luận Ngữ là kế thừa và phát triển quan niệm trung hòa trước đây.

Sáng tạo lớn nhất của Khổng Tử là sau chữ “trung” lại thêm chữ “dung”. Từ đó nâng quan niệm “trung hòa” lên tầm triết học. Chữ “dung” có hai nghĩa:
    • Nghĩa thứ nhất là dụng, là dùng, tức là nắm chắc hai đầu mút, hai cực đoan của hai mặt đối lập, tìm cho ra biện pháp phù hợp để giải quyết mọi mâu thuẫn trong xã hội; làm gì ở đâu cũng luôn áp dụng điều trung.
    • Nghĩa thứ hai là bình thường, tức là coi vận dụng đạo trung trở thành việc làm hàng ngày của mọi người.

Trung dung là một tư tưởng giúp cho con người tìm được sự hoàn mỹ, hoàn hảo nhất; không thiên không lệch về bên nào; hòa khí với mọi người những không a dua hùa theo người; không kéo bè kéo cánh; hòa nhưng không đồng hóa; hội nhập mà không hòa tan; hòa mình vào quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, mà để hướng dẫn, giáo dục quần chúng. Trung dung không phải là thỏa hiệp, nhượng bộ, bảo thủ, lạc hậu, mà là một đức sáng giúp con người tự hoàn thiện mình đạt tới phẩm chất đạo đức cao nhất.

Sách Trung Dung là sự kế thừa và phát triển quan trọng tư tưởng trung dung của Khổng Tử, khiến cho trung dung không chỉ là quy phạm đạo đức mà trở thành phương pháp tư tưởng để quan sát thế giới, xử lý các vấn đề, thậm chí trở thành thế giới quan của con người.

3. Tứ Thư Luận Ngữ

Sách Tứ Thư Luận Ngữ
Sách Tứ Thư Luận Ngữ chữ Nho, có luận giải Quốc Ngữ. Tìm hiểu thêm về sách >>tại đây!

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của phương Đông và thế giới, đã được mệnh danh là bậc Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư tức là người thầy cực kỳ tài giỏi của Trung Quốc. Trong kho trí tuệ đồ sộ mà Khổng Tử cống hiến cho nhân loại, phải kể đến Luận Ngữ.

Luận Ngữ nguyên nghĩa là bàn về lời nói. Gọi là sách Luận Ngữ vì sau khi Khổng Tử mất, các học trò mới cùng nhau chép lại và bàn luận lời của Khổng Tử trả lời học trò và người đương thời cùng những lời của học trò hỏi đáp lẫn nhau để hiểu đúng và rõ ràng lời dạy của thầy. Có thể nói, toàn bộ tư tưởng triết học của Khổng Tử nằm trong Luận Ngữ, đi sâu lý giải mọi vấn đề về chính trị, xã hội, luân lý, đạo đức… một cách sâu sắc và uyên thâm.

Khổng Tử
Khổng Tử

Xuyên suốt tư tưởng của Khổng Tử là đạo nhân tức là đạo làm người, đạo vì con người. Khổng Tử cho rằng người ta trước phải tu thân, tề gia, sau mới nói đến trị quốc, bình thiên hạ được.

Để trị quốc, bình thiên hạ, người cầm quyền phải tu thân, tề gia rồi mới thi hành đức trị theo lễ giáo, từ đó mà cảm hóa dân chúng, khiến cho dân chúng phục tùng sự cai trị của mình. Đặc biệt, Khổng Tử rất chú trọng về lễ, tức là trật tự trong trị nước. Ông đã đề ra thuyết chính danh yêu cầu “vua trọn đạo làm vua, tôi trọn đạo làm tôi, cha trọn đạo lào cha, con trọn đạo làm con”, coi chính danh là biện pháp lớn để trị nước. Một tư tưởng lớn khác của Khổng Tử“không lo của cải ít, chỉ lo phân phối không đều; không lo dân không đông, mà chỉ lo lòng dân không yên”, để từ đó mà xây dựng nên thế giới “đại đồng”. Ở thời ấy mà Khổng Tử đã nêu ra tư tưởng như vậy, thực có giá trị cho tới tận mai sau.

Nội dung của Luận Ngữ sâu sắc trong mọi phương diện học tập, giáo dục, xử thế và trị nước an dân. Lời văn của Luận Ngữ thật trong sáng, cô đọng thành những danh ngôn bất hủ nên rất sinh động, dễ tiếp thu. Vì vậy, ngày nay Luận Ngữ vẫn không mất đi giá trị chân thực mà ngày càng có ảnh hưởng rộng rãi, trở thành viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa phương Đông và nhân loại.

4. Tứ Thư Mạnh Tử

Sách Tứ Thư Mạnh Tử
Sách Tứ Thư Mạnh Tử chữ Nho, có luận giải Quốc Ngữ. Tìm hiểu thêm về sách >>tại đây!

Mạnh Tử được coi là người đã kế thừa và phát triển xuất sắc học thuyết Nho gia do Khổng Tử đề xướng. Tuy kế thừa tư tưởng của Khổng Tử, nhưng Mạnh Tử đã phát triển và hoàn thiện, tập trung vào những luận điểm quan trọng là tính thiện, vương đạo nhân chính và nhân nghĩa.

Trong sách Tam Tự Kinh trước đây là sách cho người mới đi học, câu mở đầu là “Nhân tri sơ, tính bản thiện”, nghĩa là con người ta sinh ra vốn thiện. Đây chính là tư tưởng của Mạnh Tử về bản tính thiện của con người. Khổng Tử vì chú trọng dạy về cách làm người. Mạnh Tử lại chú trọng truy tìm bản thể phía sau hiện tượng xã hội và tự nhiên, lấy việc hoàn thiện tu dưỡng đạo đức làm khởi điểm cho việc nhận thức chân lý. Đặc biệt, khi bàn về bản tính con người, Mạnh Tử đã đi sâu để bàn về tâm, tổng kết hàng loạt khái niệm trước dó về tâm, làm rõ sự khác nhau giữa tâm với các khí quan khác như tai, mắt… và nêu ra mệnh đề “tâm thì để tư duy”, Chính mệnh đề này đã ảnh hưởng rất sâu sắc trong nhận thức, coi tâm là phương tiện truyền tải nhằm thực hiện việc tự mình làm thức tỉnh bà hoàn thiện con người, từ đó nêu ra những khái niệm về lòng thương xót, xấu hổ, căm ghét… Trên cơ sở đó, ông khuyên mọi người coi trọng việc tu dưỡng nội tâm, bảo tồn tính thiện để hoàn thiện những phẩm cách tốt đẹp.

Những lời thuyết giảng của Mạnh Tử với các bậc vua, quan và học trò về những nội dung có tầm vóc lớn như vậy, nhưng ông khéo lý giải những vấn đề phức tạp bằng những ví dụ, ngụ ngôn giàu hình tượng cho nên thật dễ hiểu, hấp dẫn mà đậm chất hùng biện.

Tư tưởng của Mạnh Tử chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống tư tưởng Nho gia, được đác triều đại trước đây hết sức tôn trọng coi là đạo lý kinh điển trong việc trị quốc an dân. Trong bộ sách Tứ Thư, có thể coi sách Mạnh Tử là dẫn giải thêm, chú giải thêm cho sách Luận Ngữ, cho nên chiếm nội dung rất qun trọng trong cả bộ sách.

Trong thời đại ngày nay, khi xu hướng toàn cầu hóa đang tràn lan và sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào nội lực văn hóa truyền thống thì việc tìm hiểu, khám phá lại Tứ Thư là một như cầu quan trọng, cấp thiết không chỉ ở tầm quốc gia mà ở ngay bản thân mỗi cá nhân người Việt Nam. Lý do đơn giản là một phần không nhỏ văn hóa của chúng ta phát triển trên cơ sở tiếp thu uyển chuyển, linh hoạt, có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng Khổng Mạnh, mà trong đó Tứ Thư là cốt lõi. Qua Tứ Thư, chúng ta sẽ hiểu thấu đáo hơn nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc mình để rồi từ đó có những định hướng cho chặng đường phát triển tiếp theo.

Trích tựa

Tứ Thư Trọn Bộ 2003 

 

Loading

2 thoughts on “Tìm hiểu về bộ sách Tứ Thư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.

098 164 0961