Sách : Nho Giáo Đạo Học Trên Đất Kinh Kỳ
Miễn phí vận chuyển!
—————————————————————————————————————————————
Ngay từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, các tác giả đã có ý quảng bá Văn Miếu trong tập sách Du lịch Việt Nam. Trên thực tế thì năm 1990 – nhân năm du lịch Việt Nam, chúng tôi đã cho ấn hành cuốn sách ấy và đã bán cho khách thăm quan di tích Văn Miếu. Thấm thoắt đã hơn 15 năm trôi qua, chúng tôi vẫn ấp ủ đề tài viết về Nho giáo, Văn Miếu và chế độ học hành thi cử của Việt Nam, ngay khi còn là những người làm công tác nghiên cứu cũng như bảo tồn di sản Hà Nội. Song chưa dễ gì có điều kiện để thực hiện ý định này. Nhân kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, đã mấy lần chúng tôi định viết nhưng lại thôi; vì sách viết về Văn Miếu, học hành và nhất là các tiến sĩ Nho học Thăng Long – Hà Nội, thì chưa dễ gì bằng được các GS, các TS ở nhiều cơ quan nghiên cứu chuyên sâu của Trung ương, của các trường Đại học đóng tại Hà Nội, cùng các nhà nghiên cứu Hà Nội học. Lần lữa mãi chỉ nhằm đi tìm một hướng thể hiện các nghiên cứu này theo một cách riêng của mình. Cũng không còn nhiều thời gian nữa là đến ngày tiến hành kỷ niệm 1000 năm thành lập kinh đô Thăng Long (1010 – 2010), hơn nữa, số lượng các đầu sách viết về Văn Miếu, về học hành khoa bảng Việt Nam, các tiến sĩ Nho học Thăng Long – Hà Nội lại in ra quá nhanh và quá nhiều, đã làm chúng tôi thoái chí tưởng như sẽ bỏ dở công trình này.
Chẳng lẽ lại bỏ dở đề tài này khi mà bao nhiêu công sức theo đuổi bỏ ra trong nhiều năm qua? Còn nếu viết thì sẽ viết gì đây để không trùng với những người đi trước? Một thoáng loé lên trong đầu, chúng tôi quyết định chọn một hình thức thể hiện khác là viết về ĐẠO HỌC VIỆT NAM.
ĐẠO HỌC là một thuật ngữ bao hàm những ý nghĩa kép. Có một ý nghĩa là ĐẠO và một ý nghĩa là học. Đạo theo nghĩa chữ Hán là con đường, song đồng thời cũng lại là một từ ám chỉ tâm linh mang ý nghĩa của một tôn giáo. Học là một từ chỉ sự cố gắng nỗ lực của con người trong quá trình rèn luyện cách sống, mở mang trí tuệ nên cha ông ta thường nói học làm người, học làm thầy, học làm quan…. Sau này chúng ta vẫn thường nhắc lại câu nói của Lênin: “Học, học nữa, học mãi”… Như vậy, HỌC ở đây không chỉ là học chữ thuần tuý mà còn học nhân cách, học lễ nghĩa, học để sống… Do vậy, ĐẠO HỌC mà chúng tôi đề cập ở trong đề tài này là vấn đề giáo dục. Đã nói đến giáo dục, học hành thì không chỉ thuần là Nho giáo, Nho học mà trong cái nghĩa cụ thể nó còn được hiểu là học hành thi cử và nền giáo dục Việt Nam những năm từ xa xưa đến tận ngày nay.
Hăm hở với ý tưởng mới, chúng tôi bắt tay vào công việc. Càng đọc, càng tìm hiểu chúng tôi lại càng bị choáng bởi nếu viết về Đạo học dưới góc độ giáo dục thì chỉ mấy năm Đổi mới và Cải cách giáo dục của nước ta thôi đã ngồn ngộn một khối tư liệu. Tư liệu nói về những mặt mạnh có, những mặt tiêu cực trong giáo dục thì cũng không thiếu. Rồi nền ĐẠO HỌC của chúng ta trước những thách thức của nền kinh tế thị trường hiện nay. Cho nên làm cách nào thể hiện được Đạo học Việt Nam từ xa xưa đến nay không tô son mà cũng không bội đen? Đây là thử thách lớn đối với người viết.
Nghiễn ngâm trong khối tư liệu ngày một đồ sộ này, người viết cuối cùng cũng tìm ra một tiêu đề: NHO GIÁO – ĐẠO HỌC TRÊN ĐẤT KINH KỲ (Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội). Ban đầu các tác giả chỉ định dừng lại phần trên là Nho giáo Đạo học trên đất Kinh kỳ mà bỏ phần Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Sau khi viết mới thấy kẹt. Kẹt một nỗi đến thời các vua Nguyễn (1802-1945), kinh đô chuyển về Phú Xuân (Huế), mãi đến 1945 trở về sau Hà Nội mới lại chính thức trở thành thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1945-1975) và thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976 trở lại đây). Nếu hiểu Kinh kỳ theo một nghĩa là thủ đô thì khi viết sẽ phải bỏ qua một giai đoạn quan trọng từ 1802-1945. Và nếu cứ viết thì người đọc có thể hiểu phần thời Nguyễn được thể hiện là mảnh đất Thừa Thiên – Huế ngày nay, thật là không hợp với chủ đề lắm. Từ suy nghĩ trên, các tác giả, phải bổ khuyết bằng một đề tít nhỏ ở dưới chỉ nhằm nói rõ mảnh đất đang viết.
Mặc dù để tài viết về Đạo học trên đất Kinh kỳ (Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội) nhưng người viết không chỉ khoanh gọn mang tính giới hạn của một địa phương mà còn coi mảnh đất Kinh kỳ này (Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội) là một trung tâm giáo dục đào tạo tiêu biểu cho cả nước và một khu vực lớn nên có nhiều người tuy không phải sinh ra ở đây mà chỉ là bằng nhiều cách, có thể là con nuôi, có thể theo gia đình lên học và đỗ đạt tại mảnh đất này nên vẫn tính là người thuộc đất Kinh kỳ. Chính vì vậy, nếu có phát hiện được một số tiến sĩ ở Thăng Long – Hà Nội được thống kê trong sách này là những người sinh ra ở địa phương khác cũng mong bạn đọc hiểu đúng ý đồ này của những người viết.
Thêm nữa, khi đề cập tới chế độ học hành khoa cử ở cấp tiến sĩ có nghĩa là chúng ta đang đề cập tới khía cạnh đào tạo chất lượng cao mà ngày nay chúng ta gọi là đào tạo sau đại học và thực tế hiện đang là như vậy. Cho nên, Văn Miếu – Quốc Tử Giám chúng ta gọi là Trường đại học đầu tiên của Việt Nam thì không sai nhưng về quy mô đào tạo thì chưa xứng với tầm vóc của nó. Vậy có khi chúng ta nên coi Văn Miếu – Quốc Tử Giám với quy mô như một học viện lớn – một Đại học Quốc Gia – một Trung tâm đào tạo – ra các tiến sĩ chứ không chỉ đơn thuần đào tạo ra các cử nhân như chúng ta quan niệm ngày nay. Và như vậy, trong đề tài dù là thời xa xưa hay hiện tại, phần viết của đề tài xin nghiêng về phần đào tạo sau đại học.
Cũng xin nói thêm rằng, những nghiên cứu về một nền giáo dục chất lượng cao hiện nay của nước ta, các tác giả cũng chỉ như là những người “cưỡi ngựa xem hoa” và cũng chưa có thời gian, chưa dành trọn cho việc thống kê ghi chép danh sách các tiến sĩ là người Hà Nội được phát bằng Phó tiến sĩ, Tiến sĩ trong nước khoảng 30 năm trở lại đây.
Với tư cách là những người con của Hà Nội, đồng thời cũng là những người đã từng có nhiều năm tháng nghiên cứu và làm việc tại Văn Miếu và hiện nay tuy ở những cương vị công tác khác nhau, các tác giả vẫn mơ ước và cố gắng thực hiện cho được đề tài này về Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm đào tạo sau đại học trong nước (1976 – 2006), các tác giả mong muốn thể hiện và giới thiệu cùng bạn đọc về một đề tài nhỏ: NHO GIÁO – ĐẠO HỌC TRÊN ĐẤT KINH KỲ (Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội). Trong khi thể hiện có gì sơ suất xin được lượng thứ và kính mong nhận được những góp ý chân tình.
Hà Nội mùa xuân Bính Tuất
Các tác giả
Bản in lại theo nguyên gốc, chỉ còn vài bộ.
Quý vị mua sách nhắn: Tên sách, địa chỉ, điện thoại, họ tên người nhận để được chuyển sách miễn phí tận nhà.
Kiểm tra sách ưng ý mới thanh toán.
Dự án phục chế sách cổ để lấy kinh phí trang bị thiết bị dập lửa tự động góp phần bảo tồn 20.000 ngôi đình ngôi chùa Việt Nam
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.